Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca

Mắc ca là một loại cây trồng chủ yếu ở vùng Á nhiệt đới như Châu Úc, được biết tới với tên gọi khác là cây quả cứng Hawaii. Loại cây thân gỗ này được trồng cho quả với nhân chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Bởi thế, trồng cây mắc ca ngày càng nhiều, đem lại lợi ích kinh tế cao. Hạt mắc ca sử dụng là thực phẩm, là nguyên liệu cho các loại mỹ phẩm,… được ưa chuộng.

Cùng với NPK STAVIN tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca nhé!

1. Làm đất

Phát dọn toàn diện để giảm cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Cuốc lật đất hoặc xới đất, rẫy cỏ cục bộ 1,5 – 2 m2 xung quanh vị trí đào hố, nhặt sạch rễ cây lớn (trên 2 cm), đối với những nơi đất dốc (<20 độ) nên làm bậc thang theo đường đồng mức có mặt băng rộng từ 2 – 4 m.

Đào hố kích thước 80 x 80 x 60 cm, hố được đào trước khi trồng ít nhất 1 – 1,5 tháng để phơi ải, bón lót và lấp hố trước khi trồng ít nhất 1,5 tháng, mỗi hố bón 50 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh, 500 g NPK và 300 g vôi bột được trộn đều với đất mặt, lấp hố bằng đất mặt xung quanh, tạo hình mai rùa cao hơn mặt đất tự nhiên 2 – 3 cm.

2. Thời vụ

Miền Bắc nên trồng vào đầu mùa Xuân, ở khu vực Tây nguyên nên trồng vào đầu mùa Mưa để tiết kiệm nước tưới tiêu. Bà con có thể tham khảo thời vụ trồng như sau:

Trồng thuần

Tây Bắc: Tháng 4 – 5, tháng 7 – 8

Tây Nguyên: 6 – 8

Miền Trung: tháng 2 – 3

Trồng xen canh (cà phê, hồ tiêu, cây chè)

Tây Bắc: Tháng 4 – 5, tháng 7 – 8

Tây Nguyên: 6 – 8

3. Cách trồng

Khoảng cách trồng cây mắc ca phụ thuộc vào độ dốc của địa hình.

Đối với đất bằng: Khoảng cách giữa các cây là 4,5m, khoảng cách giữa các hàng là 8m. Mật độ: khoảng 277 cây trên 1ha đất.

Đối với đồi dốc: Khoảng cách giữa các cây là 5m, khoảng cách giữa các hàng khoảng 9 – 10m. Mật độ: khoảng 222 cây trên 1ha đất.

Tùy vào từng giống mắc ca khác nhau mà hình thái tán cây cũng khác nhau. Bà con cần lưu ý dựa vào hình thái tán cây để xác định khoảng cách trồng cây mắc ca cho phù hợp.

Cách làm:

– Trên bề mặt đất trồng đào một lỗ lớn hơn bầu đất và xé bầu, đặt ngay ngắn. Không được làm vỡ bầu đất của cây trước khi trồng xuống đất.

– Dùng tay nhẹ nhàng nén nhẹ lớp đất quanh gốc cây non. Khi cây mắc ca còn non nên dùng cọc để cắm cố định cây mắc ca, tránh tình trạng cây bị ngã khi còn quá nhỏ.

– Xung quanh vườn trồng mắc ca nên trồng các loại cây chắn gió vì đây là loại cây chịu gió bão rất kém. Ủ xung quanh gốc cây một lớp rơm rạ để giữ ẩm.

4. Bón phân

Bón thúc khi cây trồng được 2 năm tuổi trở lên, bón vào tháng 1 – 2 hàng năm bằng phân chuồng hoai kết hợp phân NPK.

Cuốc rãnh rộng và sâu 25 – 35 cm theo hình chiếu tán lá, rải đều phân chuồng xuống trước sau cho một lớp đất mặt mỏng xuống trộn đều và cuối cùng rải đều phân NPK và lấp đất.

Thời kỳ bón: khu vực Tây bắc bón vào tháng 10 – 11; bón sau khi thu hoạch quả và vệ sinh tỉa cành, tạo tán.

Xem thêm: Bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca

5. Chăm sóc

Cây mắc ca được đáng giá là có khả năng chịu hạn tương đối tốt. Tuy nhiên, đừng vì lý do đó mà quên tưới nước cho cây. Cần tiến hành tưới nước cho cây mỗi ngày khi cây mới lớn. Điều chỉnh lượng nước cho cây trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Khi bộ rễ cây phát triển ổn định và khỏe mạnh, một lần nên tưới 30 lít nước cho mỗi gốc cây.

Khi cây ở trong thời kỳ ra hoa, đậu quả cần tiến hành tưới đồng loạt từ tháng 1 đến đầu tháng 3 khi cây ra hoa. Tưới thêm nước và bón thêm phân lân cho cây vào thời điểm giữa tháng 3 để cây mau ra quả và hạn chế được tình trạng rụng quả mắc ca non.

Thực hiện tỉa cành tạo tán ở năm thứ nhất và năm thứ hai; tùy vào tình hình cụ thể, với cây sinh trưởng ngọn mạnh thì cắt ngọn thân chính để xúc tiến phân cành. Đối với những cây sinh trưởng ở ngọn yếu không cần cắt ngọn thân chính, chỉ cắt bớt ngọn các cành bên. Cắt ngọn được tiến hành 3 lần và lần 1 ở vị trí cách mặt đất 1 m; lần 2 ở vị trí cách 0,6 – 0,8 m so với vị trí bấm lần 1; lần 3 cách vị trí bấm lần 2 từ 0,6 – 0,8 m; chọn những cành khỏe (2 – 3 cành) giữ lại, tỉa bỏ những cành yếu. Sau năm thứ 2 để cây phát triển bình thường, các năm tiếp theo chỉ tỉa bỏ những cành rất nhỏ phát triển ở tầng tán thứ 3 đối với những cây có tán quá dày.

Xem thêm: Kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca

6. Phòng trừ sâu bệnh

Quét vôi xung quanh gốc cây mỗi năm 2 lần và lần 1 vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; lần 2 vào tháng 7 – 8 để phòng chống sâu hại. Vị trí quét bắt đầu từ phần dưới gốc cây (bới phần đất mặt sâu xuống 2 cm) quét lên thân cây khoảng 50 – 80 cm. Kiểm tra thường xuyên thân cây, nếu bị sâu đục thân thì dùng kim tiêm bơm thuốc trừ sâu vào lỗ sâu đục rồi lấy đất sét bịt lại.

Xem thêm: Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây mắc ca

7. Thu hoạch

Mùa quả macca chín rụng là từ tháng 8 – 10 ở phía Bắc và từ tháng 7 9 ở Tây Nguyên, thời gian chín rụng kéo dài. Tính từ thời điểm ra hoa đến khi quả chín là khoảng 215 ngày, lúc chín quả sẽ tự rụng. Bà con cần theo dõi ngày ra hoa để dự kiến thu hoạch, tránh chuột tấn công hoặc bị thối hỏng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 3252
Liên hệ