Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai mì (sắn)

Sắn hay còn được gọi là khoai mì là cây lương thực ăn củ có thể sống được lâu năm. Sắn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ La tinh và được trồng cách đây khoảng 5.000 năm.

Sắn là cây lương thực chính đứng thứ 3 ở nước ta, sắn cho củ quanh năm và sản lượng tốt. Tuy nhiên, hiện nay bà con mới chỉ trồng sắn một cách tự phát và chưa áp dụng một biện pháp kỹ thuật nào. Trong bài viết này, NPK STAVIN sẽ hướng dẫn bà con đầy đủ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai mì cho năng suất cao.

1 – Đặc tính

Cây sắn có khả năng thích nghi chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt như: Đất nghèo dinh dưỡng, đất chua, đất khô hạn, đất có hàm lượng nhôm, mangan cao mà những cây trồng khác khó có thể sinh trưởng và cho thu hoạch. Điều kiện tốt để cây sắn sinh trưởng và phát triển là ánh sáng cho đất trung bình, thoát nước tốt, độ pH 4,5 – 7,5. Sắn là cây trồng thích nghi với điều kiện bán khô hạn, sắn cần độ ẩm của đất đầy đủ chủ yếu trong quá trình trồng, sau khi đã nảy mầm có thể chịu được nhiều tháng khô hạn. Sắn có khả năng thích nghi với đất rất chua, thích nghi với mức độ lân tổng số thấp nhưng đòi hỏi K khá cao, đặc biệt là khi trồng sắn trong nhiều năm hàm lượng K trong đất bị cạn kiệt. Sắn phản ứng mẫn cảm khi bị thiếu Zn và thường xuất hiện triệu chứng thiếu Zn ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Sắn không chịu được úng, đặc biệt là khi đã hình thành củ. Do vậy cần phải bố trí lịch thời vụ và có chế độ nước tưới thích hợp cho từng giai đoạn để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, nhất là ở giai đoạn cây con và giai đoạn rễ củ phát triển cần lượng nước đủ ẩm.

2 – Thời vụ gieo trồng

Thời vụ chính để trồng sắn từ giữa tháng 12 năm trước đến gữa tháng 3 năm sau, thay đổi tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Thời gian thu hoạch có thể bắt đầu sau khi trồng được 8-10 tháng.

3 – Trồng cây

Chuẩn bị giống

Yêu cầu về giống:

– Giống phải có nguồn gốc rõ ràng được sản xuất từ hộ nông dân tự để giống, cơ sở hoặc hộ nông dân sản xuất giống để kinh doanh theo quy trình hướng dẫn; đối với hộ nông dân và cơ sở sản xuất giống để kinh doanh thì phải có kết quả giám định virus khảm lá sắn đạt yêu cầu trước khi xuất giống.

– Chọn cây giống: Cây giống 8 – 10 tháng tuổi, khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh ( nhất là bệnh khảm lá và chổi rồng). Chọn cây to có đường kính > 1,7 cm, nhặt mắt, loại bỏ những cây giống bị khô và trầy xước. Sử dụng giống có thời gian bảo quản không quá 30 ngày sau thu hoạch.

Khi cưa hom giống chỉ lấy phần giữa thân, bỏ phần gốc (quá già) và phần ngọn (quá non), không để dập nát, chiều dài hom từ 12-15cm, đảm bảo ít nhất có 4-5 mắt mầm, chấm 2 hai đầu hom vào tro hoặc nước vôi trong để hạn chế nấm bệnh.

Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng sắn phải có khả năng thoát nước tốt, được thu dọn sạch tàn dư thực vật, san lấp mặt bằng và cày bừa từ 1-2 lần. Ở những diện tích đất có độ dốc lớn không tiến hành cày bừa mà cuốc hốc trồng trực tiếp. Đất phải được cày hoặc cuốc sâu 20-25cm để tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm của đất và thuận lợi cho rễ củ phát triển.

Vét rãnh tưới, tiêu: Tùy theo điều kiện cụ thể của từng ruộng, vét rãnh tưới nước kết hợp rãnh tiêu nước. Rãnh rộng 25-30cm, đáy sâu hơn mặt đất tự nhiên 20-25cm. Những ruộng có chiều dài trên 15m, cứ 7-10m vét 1 rãnh tưới tiêu thẳng góc với hàng sắn.

Rạch hàng, bón phân lót: Rạch hàng theo hướng Đông – Tây, hàng cách hàng 0,9m hoặc 1,0 m, bón phân theo hàng hoặc theo hốc với lượng: 8 tấn phân chuồng/ ha và lấp phân 1 lớp đất dày 2-3 cm.

Mật độ, khoảng cách, cách trồng

– Tùy theo từng loại đất để bố trí cho phù hợp. Đối với vùng đất tốt trồng với khoảng cách 1,0m x 1,0m, tương đương với 10.000 cây/ha, đất trung bình và đất nghèo dinh dưỡng trồng với khoảng cách 1m x 0,9m hoặc 0,9m x 0,9m tương đương với 11.111 đến 12.346 cây/ha.

+ Đặt hom nằm ngang hoặc xiên 1 góc 35-450, hom cách hom: 0,9 – 1,0m.

+ Lấp hom một lớp đất dày 2-3cm để giữ đủ ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nẩy mầm.

+ Tránh hom tiếp xúc với phân bón lót (hom sẽ bị thối do phân).

Chú ý: Lấp đất quá dày hoặc để lộ hom lên trên mặt đất đều ảnh hưởng không tốt đến nẩy mầm.

4 – Bón phân

Tùy theo các loại đất mà bón với các công thức khác nhau, có thể kết hợp giữa bón phân vô cơ với phân hữu cơ như: Phân chuồng ủ hoai, phân xanh và các loại phân NPK STAVIN (25-25-5, 18-4-22)

Thời gian bón phân: Bón lót toàn bộ phân lân và phân hữu cơ.

Bón thúc lần 1 vào giai đoạn từ 25- 30 ngày sau khi trồng, bón thúc lần 2 vào giai đoạn sau khi trồng từ 50- 60 ngày.

Thời điểm bón phân: Bón phân khi đất có đủ ẩm độ, tránh bón vào lúc trời nắng hoặc đang mưa lớn.

Phương pháp và kỹ thuật bón phân: Bón lót phân lân và phân hữu cơ khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng; phân đạm và phân kali bón theo hốc (cuốc hốc cách gốc hoặc hom sắn 15cm rải đều phân xuống và lấp lại).

Bón phân cho cây sắn.

Xem thêm: Quy trình bón phân cho cây khoai mì (sắn)

5 – Chăm sóc

Sắn không chịu được úng, đặc biệt là khi đã hình thành củ. Tùy điều kiện cụ thể của từng nơi mà tưới nước cho sắn. Ở giai đoạn cây con và giai đoạn rễ củ phát triển cần tưới đủ ẩm. Áp dụng phương pháp tưới thấm là tốt nhất. Tưới tiêu nước cần lưu ý các giai đoạn:

– Sau khi trồng gặp mưa lớn cần phải tiêu nước và xới xáo phá váng sau khi kết thúc mưa, gặp nắng hạn thì cần phải tưới nước để cây mọc đều.

– Sau trồng 30-40 ngày tưới thấm theo rãnh kết hợp bón phân, chăm sóc lần 1.

– Sau trồng 50-60 ngày, tưới thấm theo rãnh kết hợp xới xáo, diệt cỏ.

– Sau trồng 80 – 90 ngày tưới nước kết hợp bón phân lần 2, vun cao gốc.

Chăm sóc cây sắn.

6 – Phòng trừ sâu bệnh

Nhện đỏ ( Tetranychus urticae): Loại nhện gây hại nghiêm trọng trên cây sắn, chúng sống ở cả hai mặt lá bánh tẻ đến lá trưởng thành, thường tập trung dọc hai bên gân chính của lá, di chuyển chậm chạp. Nhện gây hại làm lá sắn chuyển thành màu hung đỏ. Tại nơi chúng sống có thể có một lớp mạng nhện bao phủ được tạo bởi các sợi tơ ngắn và mảnh.

– Cả nhện non và trưởng thành đều sống trên lá, cuống lá, dùng vòi hút dạng kim châm hút dịch cây làm cây sắn sinh trưởng kém, lá cây bị hại biến màu nâu lốm đốm đến màu tím đồng, trên mặt lá có nhiều bụi bẩn màu trắng xám.

– Điều kiện thời tiết nắng nóng nhện đỏ phát sinh gây hại nặng.

Biện pháp phòng trừ:

– Trồng sắn mật độ hợp lý, bón phân cân đối để cho cây sắn sinh trưởng phát triển tốt, tăng cường tính đề kháng đối với nhện đỏ.

– Khi nhện đỏ gây hại với mật độ cao có thể dùng một trong các loại thuốc Ortus 5SC, Pegasus 500SC, Nissorun 5EC, Takare 2EC…phun trừ.

Bệnh Chổi rồng:

Tác nhân gây bệnh: Bệnh do Phytoplasma gây hại trên cây sắn.

Triệu chứng:

– Hom giống bị nhiễm bệnh sau khi trồng lên mầm kém, lóng thân ngắn, lá ngắn và nhỏ. Chồi ngọn rụt ngắn lại, cây thấp, các mầm ngủ trên thân đều bật chồi. Sau cùng lá chuyển màu vàng, rụng hoặc chết khô.

– Cây nhiễm bệnh sớm, nặng; mạch dẫn chuyển màu nâu và nâu đen, phần bấc trong cây chuyển màu nâu vàng các cây bị chết sớm.

– Cây bị nhiễm nhẹ, nhiễm muộn mặc dù cây không bị chết nhưng đến thời kỳ thu hoạch ngọn cây bị chết khô. Các chồi mọc thành chùm dạng hình dù tại phần thân dưới đoạn bị chết, củ ít và nhỏ.

Biện pháp phòng trừ:

– Tuyệt đối không sử dụng các hom giống lấy ở khu vực đã bị bệnh, không vận chuyển hom giống từ khu vực đã bị bệnh sang khu vực chưa có bệnh.

– Các hom giống sắn trước khi trồng nếu có điều kiện có thể sử dụng hơi nóng hoặc nước nóng 45-600C trong thời gian 40-60 phút sẽ làm mất hoạt tính của Phytoplasma.

– Trong thời gian từ khi sắn mọc mầm đến thu hoạch cần tăng cường điều tra phát hiện, tiêu huỷ sớm các cây bị bệnh. Nếu phát hiện thấy rầy môi giới xuất hiện cần tiến hành phun trừ để hạn chế bệnh lây lan.

Bệnh khảm lá sắn:

Tác nhân gây bệnh: Do virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra.

Triệu chứng và tác hại của bệnh khảm lá sắn:

– Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.

– Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.

– Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.

Biện pháp phòng trừ:

– Biện pháp Kiểm dịch thực vật: Tuyệt đối không sử dụng các hom giống lấy ở khu vực đã bị bệnh, không vận chuyển hom giống từ khu vực đã bị bệnh sang khu vực chưa có bệnh để tránh lây lan.

– Biện pháp canh tác: Chọn giống gieo trồng: Chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng.

– Biện pháp luân canh: Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

– Phòng trừ môi giới truyền bệnh:

+ Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng.

+ Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng một số loại thuốc BVTV như: Tenchupro 350WP, Super King 500SL, TVG 28 650SP, Nitop 35OD, Osago 80WP… . Phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng hiệu quả cao hơn.

Liên hệ ngay hotline 1900 3252 hoặc Theo dõi Fanpage để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ !!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 3252
Liên hệ